Ưu điểm cho thuê tài chính so với vay vốn truyền thống

Ưu điểm cho thuê tài chính so với vay vốn truyền thống

Cho thuê tài chính được đánh giá là một trong phương thức tối ưu giúp doanh nghiệp, người dân kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng mà không cần thế chấp tài sản. Hình thức cho thuê tài chính đa dạng từ cho thuê ô tô, máy móc, nhà xưởng, thiết bị y tế… Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Phạm Xuân Hoè - Tổng Thư kí Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam về chủ đề này.


Ông Phạm Xuân Hoè - Tổng Thư kí Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam. Đồ hoạ: Hương Nguyễn

Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang thừa tiền không cho vay được do cầu tín dụng yếu, thì cho thuê tài chính được coi là một kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), doanh nghiệp khởi nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh. Trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng đòi hỏi phải tài sản đảm bảo, còn đối với cho thuê tài chính thì người đi vay không cần có tài sản đảm bảo thế chấp.


Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế năm 2024 và tác động đến ngành cho thuê tài chính?

Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trở thành động lực lan tỏa cho kinh tế tư nhân và cũng là cơ hội để dịch vụ cho thuê tài chính phát triển.

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần lượng vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh rất lớn từ các tổ chức tín dụng, trong đó có cho thuê tài chính. Ngành nghề sản phẩm mới trong ngành điện tử sẽ mở ra cơ hội nhập dây chuyền máy móc thiết bị mà ở đó cho thuê tài chính đóng vai trò quan trọng. Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI - vốn đã quen với dịch vụ cho thuê tài chính. Đây là tín hiệu cho thấy cho thuê tài chính còn dư địa lớn để phát triển.

Cho thuê tài chính được coi là một kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Tùng Giang

Trong bức tranh chung của nền kinh tế, ông dự báo ngành cho thuê tài chính năm 2024 sẽ ra sao?

Khung khổ pháp lý mới sẽ được hướng dẫn bổ sung khi Luật các TCTD sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2024 đối với lĩnh vực cho thuê tài chính.

Những khoản cho thuê tài chính nhỏ lẻ từ dưới 100 triệu đồng phù hợp với cho thuê tài chính thiết bị văn phòng, cho thuê tài sản tiêu dùng đối với hộ gia đình trong các khu dân cư cũng đã được Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định không cần thiết kiểm soát mục đích sử dụng vốn…

Dự báo tăng trưởng dư nợ cho thuê tài chính năm 2024 sẽ khoảng 20%, dư nợ của các công ty hội viên cuối năm 2024 đạt khoảng 45 ngàn tỉ đồng.

Trong đó, sản phẩm cho thuê chủ lực vẫn là: ô tô các loại; máy móc xây dựng, thi công; dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất.

Theo ông ngành cho thuê tài chính đã phát triển đúng tiềm năng? Nếu còn khó khăn, ông có kiến nghị gì để tháo gỡ?

Tôi cho rằng việc cấp tín dụng dưới dạng cho thuê tài chính là một trong phương thức tối ưu, giúp doanh nghiệp, người dân kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng mà không cần thế chấp tài sản. Người thuê có thể bán lại tài sản của mình và thuê lại chính tài sản đó, qua đó giải phóng vốn cố định bổ sung vốn cho kinh doanh một cách hiệu quả.

Hiện tỉ lệ dư nợ cho thuê tài chính/GDP Việt Nam rất thấp, chưa đầy 0,4%, trong khi Mỹ là 22%, Trung Quốc 18%. Người dân Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa biết đến cho thuê tài chính chưa nhiều.

Để tạo môi trường thuận lợi cho thuê tài chính phát triển, chúng tôi kiến nghị đề xuất sửa đổi Thông tư 24/2023/TT-BCA.

Đặc biệt quy định bất cập về việc "Chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó". Thực tế hiện nay các công ty cho thuê tài chính đều đặt trụ sở tại Hà Nội và TPHCM. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu người thuê xe ô tô ở các tỉnh khác buộc phải kéo xe từ tỉnh về Hà Nội hoặc TPHCM để làm đăng kí, cấp biển số. Điều này gây mất thời gian, chi phí đội lên tốn kém.

Theo thống kê tại 4 Công ty tài chính, nhiều khách hàng đã từ chối thuê tài chính với tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỉ đồng do các vướng mắc về thủ tục đăng kí biển, đổi biển... theo Thông tư 24/2023/TT-BCA.

Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về cho thuê tài chính một trong lĩnh vực của tổ chức tài chính chuyên ngành theo khung khổ Luật tổ chức tín dụng sửa đổi.

Kết quả hoạt động cho thuê tài chính trong năm 2023

Tổng dư nợ cho thuê tài chính của 6 công ty của Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đạt 37,2 nghìn tỉ đồng, tăng 13,75% so cuối năm 2022. Số lượng hợp đồng cho thuê cả năm 8.403 hợp đồng, tăng 18,3% so với năm 2022.

Đặc biệt về đối tượng cho thuê tài chính ngày càng phát triển đa dạng: cho thuê ô tô các loại với dư nợ là 6,6 nghìn tỉ đồng, tăng 17,03% so cuối năm 2023; dư nợ cho thuê máy móc xây dựng, khai khoáng 3,2 nghìn tỉ đồng, tăng 49,41%; Thiết bị y tế 162 tỉ đồng tăng 55,2%; Dây chuyền máy sản xuất đã tăng rất mạnh, dư nợ đạt 7.110 tỉ đồng, tăng 183,49% so cuối năm 2022;

Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức bình quân dưới 1%.

Theo: https://laodong.vn/kinh-doanh/uu-diem-cho-thue-tai-chinh-so-voi-vay-von-truyen-thong-1299085.ldo